Bức xạ có thể chia làm 2 loại: bức xạ ion hóa và bức xạ không gây ion hóa.
Bức xạ ion hóa có thể gọi nôm na là loại bức xạ gây phá vỡ cấu trúc các hạt phân tử. Ngược lại, bức xạ không gây ion hóa sẽ chỉ bị chuyển hóa thành nhiệt lượng khi đi qua vật chất.
Bởi vậy, chỉ có bức xạ ion hóa mới có thể gây biến đổi DNA, gây ra các bệnh ung thư. Song, tần số của sóng phải đạt tới mức 1.000.000 GHz (1 triệu Gigahertz) để có thể gây bức xạ ion hóa. Mức này cao gấp hàng trăm nghìn lần sóng Wi-Fi thông thường (2,4GHz hoặc 5GHz). Do đó, sóng Wi-Fi chỉ được xếp loại bức xạ không gây ion hóa.
Tần số của sóng Wi-Fi chỉ ngang bằng với lò vi sóng. Khi va chạm với vật chất, sóng Wi-Fi chỉ tạo ra một nhiệt lượng rất nhỏ, nhỏ tới mức bạn không thể cảm thấy và thậm chí là gần như không thể đo được.
Ngoài tần số, chúng ta cũng sẽ cần tính tới cường độ của bức xạ. Bức xạ không gây ion hóa chỉ có thể gây tổn hại khi được tập trung với cường độ lớn (ví dụ như sóng ở lò vi sóng). Thật may mắn, với công suất 1000W, lò vi sóng chỉ để lọt 1 Watt ra ngoài lớp vỏ kim loại, ngang bằng với điện năng giải phóng qua Wi-Fi. Mức rò rỉ 1W này, theo How To Geek, là an toàn tuyệt đối.
Thậm chí, phần lớn điện năng hoạt động của Wi-Fi còn chẳng bao giờ tiếp xúc với bạn: ở khoảng cách 10 mét, sóng Wi-Fi sẽ chỉ chuyển giao tới bạn 2 mili-Watt điện. Con số 2mW này là quá, quá nhỏ để gây bất kì ảnh hưởng nào cho bạn.
Bức xạ ion hóa cũng cần phải có cường độ tương đối mạnh để gây ảnh hưởng cho con người. Các loại sóng như ánh sáng mặt trời (500.000GHz) và tia cực tím (750.000GHz) có tần số rất gần với mức gây bức xạ ion hóa, song rõ ràng là con người có thể chống chịu với ánh nắng khá tốt, do đó sẽ chỉ bị cháy nắng khi tiếp xúc quá lâu với ánh nắng quá mạnh.
Nói tóm lại, sóng Wi-Fi hoàn toàn vô hại với con người, bao gồm cả các em bé sơ sinh yếu ớt. Thật may mắn, trong trường hợp này bạn hoàn toàn không phải đánh đổi sức khỏe lấy các công nghệ hiện đại.
|